Tư Duy Mới

Môi trường pháp lý xung quanh Bitcoin đang liên tục thay đổi và các công cụ tài chính mới như sản phẩm phái sinh và ETF tiếp tục phát triển. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích thành phần các nhà đầu tư tài sản kỹ thuật số đang thay đổi như thế nào xung quanh các sự kiện này.

Tư Duy Mới

Tóm tắt

  • Bitcoin đã phát triển thành một tài sản toàn cầu có tính thanh khoản cực kỳ sâu rộng, có sẵn vào mọi thời điểm trong ngày. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện đầu cơ, giao dịch và thể hiện quan điểm kinh tế vĩ mô của họ vào những thời điểm thị trường truyền thống đóng cửa.
  • Bitcoin tiếp tục chứng tỏ vị thế là một tài sản lưu trữ giá trị mới nổi, tích lũy hơn 850 tỷ USD dòng vốn ròng chảy vào. Nó cũng đóng vai trò là một phương tiện trao đổi, xử lý gần 9 tỷ USD khối lượng kinh tế mỗi ngày.
  • Nhiều số liệu về nguồn cầu mới vẫn ở mức cao, tuy nhiên chúng thấp hơn đáng kể so với mức đã được thấy tại đỉnh của các chu kỳ trước.
  • Thành phần các nhà đầu tư vào tài sản kỹ thuật số cũng đang thay đổi, với sự gia tăng đáng kể của các nhà đầu tư tổ chức sành sỏi hơn trong thị trường Bitcoin. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm chung về quy mô của các đợt sụt giảm và độ biến động cũng bị nén lại theo thời gian.
💡
Xem tất cả các biểu đồ có trong ấn bản này tại The Week On-chain Dashboard.

Cuộc thử nghiệm

Kể từ khi ra đời vào năm 2009, Bitcoin đã phát triển thành một tài sản toàn cầu có tính thanh khoản cực kỳ sâu rộng và được giao dịch tích cực vào mọi thời điểm trong ngày. Các sự kiện toàn cầu thường diễn ra ngoài giờ giao dịch của thị trường truyền thống, do đó khiến Bitcoin trở thành một trong số ít tài sản mà các nhà đầu tư có thể thể hiện quan điểm của họ vào cuối tuần.

Cuối tuần qua, Bitcoin đã giảm mạnh khi những người tham gia thị trường phản ứng với việc chính quyền Trump áp dụng thuế quan đối với Mexico, Canada và Trung Quốc. Do các thị trường khác đóng cửa, Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác đã chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ trước khi phục hồi:

  • BTC giao dịch từ $104k xuống còn $93k (-10,5%) trước khi phục hồi lên $102k.
  • ETH giao dịch từ $3,4k xuống còn $2,5k (-26,5%) trước khi phục hồi lên $2,8k.
  • SOL giao dịch từ $236 xuống còn $184 (-22,0%) trước khi phục hồi lên $217.
Live Chart

Bitcoin nói riêng hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên toàn cầu, với các quốc gia như Vương quốc Bhutan đang điều hành các hoạt động khai thác quy mô lớn, El Salvador thúc đẩy đồng tiền này trở thành tiền pháp định và Chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét tiềm năng của Bitcoin như một tài sản dự trữ chiến lược.

Bitcoin hiện đã giao dịch trên mức giá tâm lý quan trọng là $100k trong nhiều tuần, một kỳ tích mà nhiều người chỉ trích Bitcoin cho là không thể. Điều này đã đạt được 7 năm sau khi Bitcoin chinh phục cột mốc logarit $10k trong đợt tăng giá năm 2017.

Live Chart

Trong khi Bitcoin đang ngày càng được các nhà đầu tư truyền thống chấp nhận thì nó vẫn là một chủ đề gây tranh cãi và chia rẽ đối với nhiều người, thường dựa trên những tuyên bố đáng ngờ về việc thiếu giá trị nội tại hoặc tiện ích.

Tuy nhiên, Bitcoin đã củng cố vị thế của mình như một trong những tài sản lớn nhất thế giới, với vốn hóa thị trường là 2 nghìn tỷ USD và được xếp hạng là tài sản lớn thứ 7 trên toàn thế giới. Điều này đưa Bitcoin vượt lên Bạc (1,8 nghìn tỷ USD), Saudi Aramco (1,8 nghìn tỷ USD) và Meta (1,7 nghìn tỷ USD), khiến nó ngày càng khó bị bỏ qua.

Data Source

Khi định giá và sức nặng của một tài sản đạt đến quy mô lớn này, quán tính của nó cũng tăng theo. Hiệu ứng phụ là Bitcoin hiện cần dòng vốn mới lớn hơn đáng kể để đạt được sự tăng trưởng liên tục về vốn hóa thị trường. Để nghiên cứu ý tưởng này, chúng tôi có thể sử dụng số liệu Vốn hoá thực tế để đo lường dòng vốn ròng tích lũy vào một tài sản kỹ thuật số.

Nếu lấy chuẩn từ đáy chu kỳ được thiết lập vào tháng 11 năm 2022, khi Vốn hoá thực tế là 400 tỷ USD thì Bitcoin đã hấp thụ thêm dòng vốn khoảng +450 tỷ USD, tăng gấp đôi Vốn hoá thực tế.

Điều này phản ánh tổng "giá trị được lưu trữ" trong Bitcoin vào khoảng 850 tỷ USD, với mỗi Bitcoin được định giá tại thời điểm nó được giao dịch on-chain lần cuối cùng.

Live Chart

Trong khi BTC chủ yếu thường được xem là một tài sản lưu trữ giá trị mới nổi, mạng lưới Bitcoin cũng có thể hoạt động như một đường ray phi tập trung cho BTC như một phương tiện trao đổi. Sự kết hợp của các nút vận hành và thợ đào cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào thực hiện các khoản thanh toán xuyên biên giới, mà không cần sự tương tác của bên trung gian thứ ba.

Khi sử dụng thuật toán điều chỉnh theo thực thể của Glassnode để lọc ra các giao dịch kinh tế trong 365 ngày qua, chúng tôi có thể thấy mạng Bitcoin đã xử lý trung bình 8,7 tỷ USD mỗi ngày, với tổng giá trị được chuyển trong năm qua đạt 3,2 nghìn tỷ USD.

Cả Vốn hoá thực tế và khối lượng kinh tế được xử lý bởi mạng Bitcoin đều đưa ra bằng chứng đáng kinh ngạc rằng Bitcoin vừa có "giá trị" vừa có "tiện ích", thách thức giả định của những người chỉ trích rằng nó không có cả hai điều trên.

Live Chart

Sự thống trị tương đối

Sau khi xác định được sự liên quan ngày càng tăng của Bitcoin như một tài sản vĩ mô, chúng tôi có thể chuyển trọng tâm và phân tích sự thống trị của nó so với hệ sinh thái Tài sản kỹ thuật số rộng hơn.

Kể từ khi FTX sụp đổ vào tháng 11 năm 2022, Chỉ số thống trị của Bitcoin đã có xu hướng tăng liên tục, từ 38% lên 59%. Điều này cho thấy sự ưu tiên trong việc luân chuyển và tích lũy giá trị ròng đối với Bitcoin so với các loại tiền khác trong thị trường tài sản kỹ thuật số.

Điều này có thể được giải thích một phần bởi khả năng tiếp cận rộng hơn mà các quỹ ETF giao ngay của Hoa Kỳ cung cấp cho các tổ chức. Bitcoin phần nào cũng có một câu chuyện cốt lõi rõ ràng hơn khi được xem là một tài sản khan hiếm, được nhiều người nắm giữ như một hàng rào tiền tệ chống lại sự mất giá của các loại tiền pháp định trên toàn cầu.

Live Chart

Khi so sánh Vốn hóa thị trường của Bitcoin và các Altcoin khác (ngoại trừ Ethereum và Stablecoin), chúng tôi có thể thấy sự phân kỳ ngày càng tăng về giá trị đang diễn ra. Một lần nữa tính từ mức đáy năm 2022, chúng tôi có thể so sánh mức tăng trưởng của Vốn hóa thị trường.

  • Vốn hóa thị trường Bitcoin: 363 tỷ USD > 1,93 nghìn tỷ USD (gấp 5,3 lần)
  • Vốn hóa thị trường Altcoin: 190 tỷ USD > 892 tỷ đô la (gấp 4,7 lần)
Live Chart

Mặc dù có sự phân kỳ về quy mô giá trị Bitcoin và Altcoin, nhưng mối tương quan giữa hai loại tài sản này vẫn mạnh mẽ. Điều này cho thấy động lực cho sự phân kỳ này không phải là tốc độ tăng trưởng giữa hai loại tài sản, mà là sự khác biệt đáng kể về vốn đổ vào Bitcoin so với Altcoin.

Trong khi Bitcoin vẫn tiếp tục thu hút phần lớn vốn từ các nhà đầu tư, chỉ số thống trị của Bitcoin được dự đoán sẽ tiếp tục tăng (sự đảo ngược của chỉ số này là tín hiệu cho sự luân chuyển vốn theo hướng ngược lại).

Live Chart

Nguồn cầu mới ở đâu?

Với giá BTC vượt mốc $100k, thị trường kỳ vọng quy mô tiếp xúc với Bitcoin sẽ tăng đáng kể. Chúng tôi có thể đánh giá điều này bằng cách đánh giá tỷ lệ tài sản mạng lưới được nắm giữ bởi các đồng coin được mua cách đây dưới 3 tháng. Biểu đồ bên dưới biểu thị cách số liệu này đã phát triển trong 12 tháng sau khi phá vỡ ATH mới theo chu kỳ.

Mặc dù nguồn cầu mới trong chu kỳ này là đáng kể, nhưng tài sản được nắm giữ trong các đồng coin 3 tháng tuổi thấp hơn nhiều so với các chu kỳ trước. Điều này cho thấy dòng cầu mới đổ vào không có cùng quy mô, có vẻ như xảy ra theo từng đợt và đạt đỉnh, thay vì trên cơ sở bền vững.

Điều thú vị là tất cả các chu kỳ trước đó đều kết thúc khoảng một năm sau lần phá vỡ ATH đầu tiên, điều này làm nổi bật bản chất bất thường của chu kỳ hiện tại với lần đầu tiên đạt ATH mới là vào tháng 3 năm 2024.

Live Chart

Nếu tách riêng khối lượng chuyển nhượng từ các ví nhỏ (dưới $10k), chúng tôi có thể thấy sự sụt giảm đáng chú ý khi so sánh với ATH năm 2021. Điều này diễn ra mặc dù khối lượng giao dịch được giải quyết nhìn chung tăng đáng kể trong chu kỳ này và giá Bitcoin cũng cao hơn đáng kể.

Điều này cho thấy nhu cầu mới về BTC chủ yếu đến từ các thực thể có quy mô lớn hơn, thay vì các thực thể với quy mô nhỏ lẻ.

Live Chart

Chúng tôi cũng có thể sử dụng các tập dữ liệu thay thế như mức độ quan tâm theo thời gian của Google Analytics để hỗ trợ cho luận điểm của mình. Cường độ tìm kiếm chưa đạt đến các mức hưng phấn được thấy trong đợt tăng giá năm 2021 mặc dù đã có rất nhiều động lực tích cực.

Mức độ quan tâm Bitcoin theo thời gian

Cơ sở nhà đầu tư đang phát triển

Mặc dù giao thức Bitcoin phần lớn được cố định trong cấu trúc và mã đồng thuận nhưng phản ứng của thị trường với nó là một quá trình luôn phát triển và năng động. Môi trường pháp lý liên tục thay đổi và các công cụ tài chính mới như sản phẩm phái sinh và quỹ ETF tiếp tục phát triển xung quanh nó. Khi môi trường xung quanh Bitcoin phát triển thì thành phần các nhà đầu tư Bitcoin cũng vậy, đây cũng là điểm đáng chú ý nhất trong chu kỳ này.

Khi so sánh sự thay đổi số dư của các thực thể nhỏ hơn (Tôm-Cua nắm giữ <10 BTC), chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong các mô hình hành vi trong những năm gần đây.

Trong các đợt tăng giá năm 2013 và 2017, chúng tôi có thể xác định các giai đoạn tích lũy BTC đáng kể từ các nhóm này thường đồng nghĩa với “đỉnh của thị trường hưng phấn”. Mô hình này dường như đã bị phá vỡ trong chu kỳ này, với các thực thể nhỏ hơn tham gia vào quá trình tích lũy mạnh mẽ hơn trong các đợt điều chỉnh và thoái lui, sau đó chuyển sang phân phối khi thị trường tăng lên mức ATH mới.

Điều này cho thấy sự hiện diện của một nhóm nhà đầu tư có trình độ và hiểu biết cao hơn, ngay cả trong số những người thường được coi là những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Live Chart

Việc giới thiệu các công cụ ETF Bitcoin giao ngay của Hoa Kỳ đã cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức khả năng tiếp cận được quản lý đối với Bitcoin. Điều này cho phép dòng vốn tổ chức tiềm ẩn chảy vào, với các quỹ ETF thu hút hơn 40 tỷ USD dòng tiền ròng và vượt quá 120 tỷ USD trong AUM (Tài sản được quản lý) kết hợp sau 12 tháng kể từ khi ra mắt.

Live Chart

Xem xét bảng vốn hóa nhà đầu tư IBIT (như nhà phân tích TXMC đã lưu ý), chúng tôi có thể thấy những dấu hiệu rõ ràng về nhu cầu tăng cao từ các nhà đầu tư tổ chức. Điều này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Bitcoin đang thu hút một nhóm nhà đầu tư ngày càng có trình độ hơn.

Mức độ sụt giảm được kiểm soát

Một trong nhiều lợi thế của dữ liệu on-chain là nó giúp chúng tôi lập hồ sơ hành vi của các nhà đầu tư trong các giai đoạn căng thẳng, chẳng hạn như trong các đợt thoái lui và sụt giảm.

Khi đánh giá mức độ thua lỗ thực tế trong thị trường tăng giá, chúng tôi nhận thấy chu kỳ hiện tại vẫn là chu kỳ ít tổn thất nhất. Sự kiện nổi bật duy nhất khi những người nắm giữ Bitcoin có khoản thua lỗ đáng kể là sự kiện huỷ bỏ giao dịch chênh lệch lãi suất đồng Yên vào ngày 5 tháng 8. Ngoài sự kiện này, mức độ thua lỗ vẫn tương đối nhỏ, cho thấy sự kiên nhẫn, kiên cường và không nhạy cảm với giá cả hơn của cơ sở nhà đầu tư.

Điều này khác biệt đáng kể so với cấu trúc các chu kỳ trước, trong đó chu kỳ 2015-2018 được đặc trưng bởi nhiều giai đoạn đầu hàng cục bộ. Giai đoạn 2019-2022 thậm chí còn biến động hơn, chứng kiến một số sự kiện đầu hàng nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ lừa đảo PlusToken vào giữa năm 2019, đợt bán tháo COVID-19 vào tháng 3 năm 2020 và cuộc đại di cư của thợ đào vào giữa năm 2021.

Live Chart

Hồ sơ biến động của Bitcoin cũng đang trong trạng thái thay đổi, với biến động thực tế giao dịch ở mức thấp lịch sử đối với một thị trường tăng giá. Biến động thực tế trên khung thời gian 3 tháng thường dưới 50% trong chu kỳ này, trong khi nó thường xuyên vượt quá 80% đến 100% trong hai chu kỳ tăng giá trước đó.

Live Chart

Hồ sơ độ biến động giảm cùng với cơ sở nhà đầu tư tương đối điềm đạm đã biểu hiện thành một cấu trúc giá ổn định hơn nhiều. Chu kỳ 2023-25 cho đến nay phần lớn là một chuỗi hành động giá theo từng bậc thang (các đợt tăng giá được theo sau bởi các giai đoạn củng cố).

Chúng tôi cũng thấy một hồ sơ các đợt giảm giá được kiểm soát nhiều hơn, với chu kỳ hiện tại trải qua mức giảm giá trung bình thấp nhất tính từ đỉnh cục bộ của tất cả các chu kỳ cho đến nay.

Live Chart

Tóm tắt và kết luận

Bitcoin tiếp tục khẳng định vị thế là một tài sản vĩ mô toàn cầu. Khả năng giao dịch liên tục cho phép các nhà đầu tư thể hiện quan điểm về thị trường của họ bất kỳ lúc nào trong ngày, trong khi thanh khoản sâu rộng cho phép các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch ở quy mô lớn.

Để giải quyết những chỉ trích liên quan đến vai trò của Bitcoin như kho lưu trữ giá trị và phương tiện trao đổi, chúng tôi phân tích việc mạng lưới đã thu hút hơn 850 tỷ USD dòng vốn ròng chảy vào, trong khi xử lý gần 9 tỷ USD khối lượng kinh tế hàng ngày. Dữ liệu này xua tan phần lớn những thách thức về những tuyên bố này.

Những thay đổi pháp lý gần đây trong hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số đã thúc đẩy sự phát triển trong thành phần các nhà đầu tư, dẫn đến sự hiện diện nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức có trình độ trên thị trường Bitcoin. Cơ sở nhà đầu tư kiên nhẫn hơn, kiên cường hơn và ít nhạy cảm hơn với giá này đã góp phần làm giảm quy mô của các đợt sụt giảm và giảm độ biến động theo thời gian.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Báo cáo này không cung cấp bất kỳ lời khuyên đầu tư nào. Tất cả dữ liệu chỉ được cung cấp cho mục đích thông tin và giáo dục. Các quyết định đầu tư không nên được đưa ra dựa trên thông tin được cung cấp ở đây và bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của chính mình.‌

Các số liệu số dư Sàn giao dịch được lấy từ cơ sở dữ liệu toàn diện có các địa chỉ được dán nhãn của Glassnode, được tích lũy thông qua thông tin sàn giao dịch được công bố chính thức và thuật toán phân cụm độc quyền. Mặc dù chúng tôi cố gắng đảm bảo độ chính xác tối đa trong việc thể hiện số dư trên sàn giao dịch, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những số liệu này không phải lúc nào cũng phản ánh toàn bộ dự trữ của sàn giao dịch, đặc biệt khi sàn giao dịch không tiết lộ địa chỉ chính thức của họ. Chúng tôi kêu gọi người dùng thận trọng khi sử dụng các số liệu này. Glassnode sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai lệch hoặc khả năng không chính xác nào. Vui lòng đọc Thông báo Minh bạch của chúng tôi khi sử dụng dữ liệu sàn giao dịch.


  • Tham gia kênh Telegram của chúng tôi.
  • Để tìm hiểu các chỉ số và biểu đồ on-chain hãy truy cập Glassnode Studio.